Kết thúc một ngày làm việc, bác sĩ Dũng, Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, hít một hơi thật sâu, dành thời gian tự điều hòa cảm xúc. Có rất nhiều yếu tố có thể tác động đến tình hình sức khỏe và tinh thần của anh như bệnh nhân không hợp tác, sự căng thẳng từ người nhà, câu chuyện của người bệnh trầm cảm, tiếng khóc của trẻ em, số lượng người bệnh thăm khám.
Thanh niên 19 tuổi tên Minh, mắc tâm thần phân liệt, luôn ám ảnh rằng có một thế lực đang theo dõi và kiểm soát suy nghĩ của mình. Bị gia đình ép đưa đến viện, cậu đã phản kháng quyết liệt, thậm chí bỏ chạy. Phải mất gần một giờ thuyết phục, Minh mới chịu quay lại nhưng không ngừng chống đối, mắng chửi, đập phá khiến buổi điều trị hoàn toàn bế tắc. "Đó vẫn chưa phải tất cả những gì khiến tôi thấy ngột ngạt", bác sĩ Dũng nói.
Bố Minh đưa con đến khám trong tình trạng sức khỏe đang gặp một số vấn đề liên quan đến nghiện rượu. Thấy cảnh tượng hỗn loạn, ông sừng cồ, kích động, lao vào mắng bác sĩ. Cảm xúc bị dồn nén, chi phối bởi câu chuyện của Minh và những bệnh nhân trước đó. "Cảm giác của tôi lúc đó cũng khá mệt mỏi, căng thẳng do vừa phải trực đêm hôm trước", bác sĩ bộc bạch.
Sau khi nhận ra bản thân gặp bất ổn tâm lý, bác sĩ dành vài phút lắng nghe cơ thể, nhanh chóng lấy lại cân bằng nhờ các kỹ năng như nghỉ ngơi, vận động, hít thở sâu, học cách đón nhận và chuyển hóa.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Dũng. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Không riêng bác sĩ Dũng, nhiều đồng nghiệp của anh cũng trải qua các vấn đề tâm lý. Một bác sĩ trẻ từng tin rằng sự kiên nhẫn và cảm thông có thể chữa lành mọi bệnh nhân, nhưng chính cô lại rơi vào khủng hoảng khi bị một bệnh nhân hoang tưởng bất hợp tác tấn công. Dù chỉ bị thương nhẹ, tổn thương tâm lý khiến cô mất tự tin, thậm chí gặp ác mộng liên tục. Nhờ hỗ trợ tâm lý, cô dần hồi phục và tiếp tục công việc.
Các chuyên gia cảnh báo "hiệu ứng lây lan cảm xúc" là mối nguy tiềm ẩn đối với những người làm công việc trị liệu tâm thần. Hiện tượng này xảy ra khi bác sĩ, với hành trình đồng cảm và chia sẻ sâu sắc, hấp thụ cảm xúc tiêu cực từ người bệnh. Những tình huống như bệnh nhân có ý định tự sát, phản kháng hoặc thậm chí tấn công... không chỉ khiến bác sĩ căng thẳng mà còn dễ dàng tạo ra trạng thái sốc tinh thần.
"Bác sĩ cũng là những người bình thường, không miễn nhiễm với các vấn đề liên quan đến tâm lý như buồn chán, lo âu, căng thẳng, trầm cảm... Như bao nghề nghiệp khác, họ cũng gặp phải những muộn phiền, áp lực liên quan đến công việc hay các vấn đề cuộc sống", anh Dũng chia sẻ.
Số liệu công bố tại Hội nghị Tăng cường hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần năm 2023, cho thấy gần 15% dân số Việt Nam mắc các rối loạn tâm thần, trong khi nhân lực điều trị thiếu, không đáp ứng nhu cầu người bệnh. Tuyến y tế huyện hầu như không cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh nội trú về tâm thần, y bác sĩ ngành này thiếu và phân bổ không đồng đều trên cả nước.
Việt Nam hiện có 605 bác sĩ tâm thần, đạt 0,62 bác sĩ/100.000 dân, trong khi con số trung bình toàn cầu là 1,7, còn các nước thu nhập cao là 8,6. Nhân lực tập trung chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Hồng và TP HCM, vùng thiếu nhất là Tây Nam Bộ và Tây Nguyên. Còn điều dưỡng chăm sóc sức khỏe tâm thần chỉ đạt 3/100.000 dân, trung bình toàn cầu là 3,8, các nước thu nhập cao là 29.
Điều này đồng nghĩa với việc một bác sĩ tâm thần phải chữa trị cho rất nhiều bệnh nhân. "Việc tham vấn, trị liệu, lắng nghe các vấn đề tâm thần của quá nhiều người bệnh tăng nguy cơ bị căng thẳng ở bác sĩ", bà Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, nhận định.
Dù mang nhiều gánh nặng, nhiều bác sĩ có xu hướng che giấu vấn đề tâm lý của bản thân trước đồng nghiệp và cộng đồng vì sợ "tự làm mờ hình ảnh nghề nghiệp". Kỳ vọng xã hội đối với bác sĩ tâm thần luôn là sự vững vàng cả về chuyên môn lẫn tinh thần, nhưng thực tế không phải ai cũng miễn nhiễm với kiệt sức, căng thẳng, trầm cảm.
Nghiên cứu từ Journals chỉ ra, 89% bác sĩ tâm thần tham gia khảo sát đều từng gặp các vấn đề tâm lý trong quá trình hành nghề. Họ phải đối mặt với nguy cơ áp lực công việc cao hơn các chuyên khoa khác, cùng với tỷ lệ trầm cảm và kiệt sức vượt trội. Nguy cơ trở nên nặng hơn nếu không được can thiệp sớm, dẫn đến giảm chất lượng điều trị, kiệt quệ tinh thần hoặc thậm chí bỏ nghề.

Bác sĩ Dũng điều trị một bệnh nhân mắc tâm thần phân liệt. Ảnh: Thúy Quỳnh
Để giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực, chuyên gia khuyến cáo bác sĩ cần được nghỉ ngơi đúng lúc khi áp lực công việc vượt ngưỡng, dành thời gian phục hồi và duy trì sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Một số kỹ thuật như thiền, yoga, viết nhật ký hoặc đơn giản là hít thở không khí trong lành có thể giúp giải tỏa căng thẳng. Gia đình và đồng nghiệp cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ tinh thần cho các y bác sĩ.
Bác sĩ Dũng cho biết những việc làm nhỏ như hít thở sâu, hít khí trời hay vận động khiến anh vui vẻ mỗi ngày giữa một môi trường hàng trăm bệnh nhân tâm thần khác nhau. Bên cạnh đó, anh cũng cần thời gian, không gian riêng để cân bằng trở lại. "Mình phải ổn mới có thể điều trị cho người khác", bác sĩ nói.
Thúy Quỳnh